(Du lịch – Thethaovanhoa.vn) – Người Sài Gòn nói chung chịu khó tìm tòi, sáng tạo, từ cách họ trình diễn ca khúc cho tới cách họ thiết kế… quán cafe. Khác hẳn với phong cách vẫn còn nặng tính cổ điển, đơn điệu ở ngoài Bắc.
Khi biểu diễn âm nhạc thì họ thường dựng những mô hình giả nhưng nhìn vẫn rất thật, sống động, đúng với tính chất, nội dung, bối cảnh lịch sử của ca khúc được trình bày và các ca sĩ sẽ biểu diễn trên cái nền của mô hình phục dựng đó. Các ca khúc được trình diễn thì thường có các vũ đoàn múa phụ họa đi kèm.
Tất nhiên nhiều người (Bắc) không thích hoặc không quan tâm đến những chi tiết đó và thậm chí còn phê phán là lố lăng (có những trường hợp thì đúng vậy thật nhưng chỉ là một số trường hợp thôi, ko phải lúc nào cũng vậy).
Nhưng dân Sài Gòn thì đương nhiên là rất thích và tôi nghĩ chính một bộ phận dân Bắc như tôi chẳng hạn, cũng thích phong cách đó. Khi các ca sỹ ở trong đó hát một ca khúc nào đó, họ không đứng im trên sân khấu hoặc gần như thế, hát xong cúi chào khán giả rồi đi vào cánh gà như kiểu đa số ca sỹ ngoài Bắc này mà ngoài các tiết mục múa phụ họa kèm theo để làm cho tiết mục trình diễn thêm sinh động, tăng hiệu ứng với khán giả (nghe + nhìn thay vì chỉ nghe là chính như ngoài này) thì ca sĩ trong đó thường là còn giao lưu, tương tác với khán giả.
Nhiều quán cafe trong đó họ cũng thiết kế để không chỉ biến cái quán thành nơi mọi người tìm đến để uống nước, nói chuyện thông thường mà còn mang lại cảm giác thư giãn, giải trí cho khách. Không chỉ phục vụ cái miệng của khách mà phục vụ luôn cả đôi mắt, cả cảm xúc cảm giác nữa. Thậm chí cái sau còn được chú trọng nhiều hơn cái trước vì thực tế đồ uống ở các quán phần lớn là na ná nhau, không có gì đặc biệt.
Ngày trước nhớ là Thanh Thảo nói một câu rất thật lòng và vì câu nói ấy mà cũng hay xem Thanh Thảo diễn sau này dù vẫn biết là giọng cô yếu và kỹ thuật hát chả có gì đặc biệt. Cô bảo: “Thảo biết mình hát không lại các diva nên phải có cái gì đó cho người ta xem chớ”. Ý là cô giải thích vì sao mình thường hát đi kèm vũ đạo (nhảy múa) và có vũ đoàn múa phụ họa đi kèm trong nhiều tiết mục cô diễn.
Có một thời nói đến Thanh Thảo là nói đến “Ôi tình yêu”. Một trong những ca khúc trở thành “hit” của cô mà đi đâu (nhiều khi đang đi ngoài đường) người ta cũng nghe thấy. Ca từ chả có gì sâu sắc, thậm chí nếu đem ra mổ xẻ theo kiểu mà dân Bắc hay làm thì có những từ, những đoạn còn bị coi là “vớ vẩn”. Nhưng nhiều khi nghe nhạc, người ta không quan tâm lắm đến chuyện ca từ có chuẩn mực, có ý nghĩa tích cực, đúng đắn hay không. Cứ sôi động, vui tươi, làm cho người nghe cảm thấy mãn nhĩ và mãn nhãn là ok rồi.
Trở lại với chuyện cái quán cafe trong Sài Gòn, tôi cảm thấy nó cũng có cái gì đó giống như vậy. Có lẽ bởi vì chất lượng đồ uống của phần lớn các quán chả khác biệt nhau là mấy nên ông chủ nào cũng cố tìm cách tạo khác biệt bằng những sáng tạo trong decor, trong cách họ thiết kế cái quán của mình để tạo điểm nhấn riêng nhằm kéo khách đến quán.
Như quán cafe Oasis này chẳng hạn. Quán nằm ở số 303 Lê Lợi, P3, quận Gò Vấp. Đứng ở đường nhìn vào thì không thấy có gì đặc biệt nhưng vừa bước vào cổng quán là bắt đầu thấy có khác biệt rồi. Những hàng cột, vuông có tròn có, rồi bức tường sỏi tạo kiểu như mái vòm uốn tròn.
Đấy là những hơi hướng của kiến trúc pha trộn giữa phong cách La Mã – Hy Lạp cổ đại với phong cách phục hưng dù đương nhiên là nó không phải chuẩn mực và chính xác lắm. Nhưng ít nhất thì nó vẫn cứ là sự sáng tạo và những ai biết một chút về kiến trúc là có thể nhận thấy. Kể cả mù tịt về kiến trúc mà nhìn thiết kế ấy có khi vẫn thấy nó… hay hay vì nó là lạ.
Bước vào trong quán là những khác biệt nữa được tạo ra. Đầu tiên là hai hàng bậc đá gần như ngập nước nằm giữa dòng suối nhân tạo, tạo cho khách (nhất là trẻ con) cảm giác thích thú. Rồi những đàn cá vàng sặc sỡ bơi lội tung tăng ở hai bên suối. Quán có 3 tầng, nhưng không phải được thiết kế thành một khối giống như cái hộp vuông mà ở giữa là khoảng không gian mở rất thoáng với rất nhiều cây, hoa, dây leo, tạo cho khách cảm giác thư giãn thực sự.
Ngồi tầng nào cũng thích cả. Ngồi tầng 1 thì ngắm ca bơi lội rất gần. Ngồi tầng 2, thì nhìn ra khoảng không bên ngoài với thiên nhiên ngập tràn. Ở đây, người ta cafe buôn chuyện đủ thể loại nhưng không hề ồn ào. Lại cũng có những người ngồi một mình với ly cafe hay sinh tố bên cạnh cùng chiếc laptop và lặng lẽ làm việc. Tầng 3 thì lại có độ cao để view xuống dưới.
Đặc biệt, tầng 3 chia làm 2 khu. Một khu được thiết kế giống như lâu đài với những khung cửa dạng vòm uốn tròn kiểu kiến trúc phục hưng view ra bên ngoài toàn hoa lá cây cối xanh tươi. Một khu là những võng xích đu dạng tròn quay lưng vào nhau trong ánh đèn dịu nhẹ và những tình khúc du dương, dìu dặt vang lên. Nơi này đủ yên tĩnh và kín đáo dành cho các cặp đôi tâm sự các kiểu con đà điểu. Đó, một quán cafe mà khách tìm đến không chỉ để uống cafe mà còn để làm việc, để trò chuyện, để ngắm cảnh, để sống “ảo”, để thư giãn và thậm chí để… yêu.