Thời gian qua, thực hiện chủ trương, chính sách mở cửa, tăng cường quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, nhiều văn bản quản lý Nhà nước về người nước ngoài đã được ban hành. Trong đó, có các văn bản quy định về thủ tục lao động của người nước ngoài đơn giản, dễ dàng hơn, tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam để đầu tư, khảo sát thị trường, lao động… Bên cạnh những người lao động nước ngoài đến Việt Nam lao động hợp pháp thì cũng còn nhiều người nước ngoài đến Việt Nam lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật Việt Nam làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự (ANTT). Theo kết quả thống kê mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có khoảng gần 30% người nước ngoài thực tế đang lao động tại Việt Nam chưa được cấp giấy phép lao động. Đó có thể là người nước ngoài nhập cư trái phép hoặc người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam với “vỏ bọc” du lịch, học tập, thăm thân nhưng thực tế đến Việt Nam lao động.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam, trong những năm gần đây Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp lý như Bộ luật Lao động, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hàng loạt các văn bản dưới luật khác. Trong đó liên quan đến giấy phép lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, ngày 03/02/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2016 và có nhiều nội dung mới nổi bật liên quan đến giấy phép lao động cho người nước ngoài, thể hiện trên một số điểm sau:
Thứ nhất, về việc cấp phiếu lý lịch tư pháp:
Trước đây, theo Nghị định 102/2013/NĐ-CP, người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì pháp luật vẫn yêu cầu họ phải cung cấp cả phiếu lý lịch tư pháp tại Việt Nam và phiếu lý lịch tư pháp cấp tại nước ngoài với điều kiện về hình thức là phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng. Việc yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp cấp tại nước ngoài cho người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam là không cần thiết, gây nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà khi xin cấp giấy phép lao động. Do vậy, theo quy định mới hiện nay, đối với trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp, quy định này đã đơn giản hơn rất nhiều so với quy định trước đây.
Thứ hai, về thời hạn cấp giấy phép lao động
Trước đây, thời hạn để cấp giấy phép lao động theo quy định Nghị định 102/2013/NĐ-CP là 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, quy định mới ban hành đã rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ xin cấp giấy phép lao động giảm xuống chỉ còn 7 ngày làm việc. Quy định này là một sự tiến bộ trong cải cách hành chính, khi đã phần nào đẩy nhanh các thủ tục hành chính và bắt kịp với nhịp sống, yêu cầu của xã hội.
Thứ ba, quy định rõ khái niệm về chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành, lao động kỹ thuật…
Bên cạnh những khái niệm về vị trí công việc theo Luật doanh nghiệp quy định, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã bổ sung thêm khái niệm đối với các vị trí khác mà người lao động nước ngoài đảm nhiệm như lao động kỹ thuật, chuyên gia, tình nguyện viên là người lao động…
Theo đó, trường hợp người lao động nước ngoài được xem là nhà quản lý, người quản lý doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 18, Điều 4, Luật doanh nghiệp hoặc là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của cơ quan, tổ chức; Giám đốc điều hành là người đứng đầu và trực tiếp điều hành đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hay người lao động nước ngoài được xem là chuyên gia khi đáp ứng một trong hai điều kiện: Có văn bản xác nhận là chuyên gia của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài; có bằng đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành được đào tạo phù hợp với vị trí công việc mà người lao động nước ngoài dự kiến làm việc tại Việt Nam; trường hợp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trước đây, theo Nghị định 102/2013/NĐ-CP, chuyên gia nước ngoài yêu cầu số năm kinh nghiệm tối thiểu là 05 năm.
Thứ tư, quy định các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động
Trước đây, Nghị định 102/2013/NĐ-CP chưa điều chỉnh một số đối tượng có thể xem xét để không cần phải xin giấy phép lao động khi vào Việt Nam, cụ thể: Tình nguyện viên, thực tập sinh không trong diện thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập; người nước ngoài vào Việt Nam để công tác ngắn ngày, tham dự họp, kiểm toán nội bộ, người làm việc độc lập hoặc khảo sát; thương nhân vào thu mua hàng hóa ngắn ngày.
Hiện nay, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã bổ sung trường hợp người lao động nước ngoài làm việc tại vị trí chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm thì không cần đề nghị cấp giấy phép lao động. Ngoài ra, người lao động nước ngoài là giáo viên, nghiên cứu sinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận vào giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục, đào tạo tại Việt Nam; học sinh, sinh viên đang học tập tại các trường, cơ sở đào tạo ở nước ngoài có thỏa thuận thực tập trong các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam; cá nhân có hộ chiếu công vụ vào Việt Nam làm việc cho cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội cũng được miễn giấy phép lao động.
Đối với các trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Khoản 2, Điều 7, Nghị định 11/2016/NĐ-CP thì người nước ngoài vẫn cần phải có giấy xác nhận thuộc diện không phải xin giấy phép lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ít nhất 7 ngày làm việc (trừ các trường hợp quy định tại Khoản 4, Khoản 5 Điều 172 của Bộ luật Lao động và Điểm e, Khoản 2, Điều 7 Nghị định 11/2016/NĐ-CP). Thời hạn xác nhận không thuộc trường hợp cấp giấy phép lao động là tối đa không quá 02 năm và theo thời hạn của một số trường hợp cụ thể.
Thực tiễn hiện nay cho thấy, đã xuất hiện một số người nước ngoài dựa vào quy định: Nếu người nước ngoài tham gia góp vốn vào doanh nghiệp thì hiển nhiên được làm việc tại doanh nghiệp đó mà không thuộc diện phải xin cấp phép lao động vì theo Luật doanh nghiệp tại Khoản 18, Điều 4 quy định người quản lý gồm người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty. Bên cạnh đó, quy định lại không đưa ra hạn mức góp vốn, nghĩa là chỉ cần góp 1 đồng là đã được làm việc. Do vậy, thiết nghĩ, cơ quan quản lý nên nghiên cứu đưa các đối tượng này vào phạm vi điều chỉnh trong các văn bản pháp lý.
Thứ năm, quy định chi tiết hơn về hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động
Điều 10, Nghị định số 11/2016/NĐ-CP, hồ sơ đề nghị cấp giấp phép lao động phải có phiếu lý lịch tư pháp hoặc văn bản xác nhận người lao động nước ngoài không phải là người phạm tội hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự của nước ngoài cấp. Trường hợp người lao động nước ngoài đã cư trú tại Việt Nam thì chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do Việt Nam cấp. Các văn bản này được cấp không quá 6 tháng kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ.
Đồng thời tại Nghị định số 11/2016/NĐ-CP quy định chi tiết về giấy chứng nhận sức khỏe phải có giá trị trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày ký kết luận sức khỏe, và vẫn có hiệu lực tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép lao động.
Thứ sáu, điều kiện để xin cấp lại giấy phép lao động
Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp được quyền xin cấp lại giấy phép lao động và bỏ đi trường hợp giấy phép lao động hết hạn như trước đây, cụ thể các trường hợp sau:
– Giấy phép lao động còn thời hạn bị mất, bị hỏng hoặc thay đổi nội dung ghi trong giấy phép lao động (trừ một số trường hợp sẽ làm theo thủ tục cấp mới);
– Giấy phép lao động còn thời hạn ít nhất 05 ngày nhưng không quá 45 ngày.
Theo Nghị định 102/2013/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, pháp luật không đề cập trường hợp này. Nghị định số 11/2016/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ hơn về trường hợp giấy phép lao động hết hạn. Theo đó, nếu giấy phép lao động gần hết hạn, người lao động nước ngoài còn nhu cầu làm việc tại Việt Nam và thời hạn còn ít nhất 05 ngày trước ngày hết hạn nhưng không quá 45 ngày, người sử dụng lao động phải thực hiện thủ tục xin cấp lại giấy phép lao động theo quy định.
Nguồn: Cao Thị Nga – Học viện Chính trị CAND