Nhiễm vi khuẩn HP chính là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh viêm loét dạ dày tá tràng không chỉ ở người lớn mà còn ở trẻ nhỏ, thậm chí còn dẫn tới ung thư dạ dày nếu không được phát hiện kịp thời. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào xét nghiệm nhiễm vi khuẩn HP cũng cần được điều trị.
1. Vi khuẩn HP có lây nhiễm không?
Vi khuẩn HP rất dễ lây lan, 3 con đường lây nhiễm chính của vi khuẩn HP đó là:
Lây nhiễm qua đường miệng: H.Pylori không chỉ tồn tại trong niêm mạc dạ dày người bệnh, chúng còn được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám ở răng. Thói quen của người Việt Nam khi ăn uống là ăn chung mâm, dùng đũa gắp thức ăn cho nhau, dùng chung bát nước chấm… do đó nguy cơ lây nhiễm khuẩn HP là rất cao.
Lây nhiễm qua đường dạ dày – dạ dày: Trong quá trình thực hiện thao tác nội soi tại các cơ sở y tế, nếu việc vệ sinh dụng cụ nội soi không được đảm bảo, vi khuẩn HP có thể lây nhiễm từ người bệnh sang người lành.
Lây nhiễm qua đường phân – miệng: vi khuẩn HP tồn tại trong phân của người bệnh nên có thể lây nhiễm khi đi vệ sinh không rửa tay sạch, hoặc lây nhiễm qua các trung gian khác như côn trùng (ruồi, muỗi, gián) nếu chúng tiếp xúc với nguồn bệnh sau đó lại bám vào thức ăn.
Trẻ em dưới 10 tuổi là đối tượng dễ bị lây nhiễm HP nhất, nguyên nhân là do môi trường sống, thức ăn không đảm vệ sinh, người lớn có thói quen hôn hít trẻ, đút trẻ ăn bằng bát, đũa chung, mớm cơm cho trẻ, ngoài ra hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh cũng là yếu tố gây nhiễm vi khuẩn HP ở trẻ.
2. Vi khuẩn HP gây ra những bệnh lý nào?
Tỷ lệ nhiễm khuẩn HP rất cao trong dân số, tuy nhiên phần lớn những người bị nhiễm đều không có triệu chứng cũng như biến chứng. Sự nhiễm khuẩn này nhìn chung rất thầm lặng, tuy vậy thông thường nó gây ra những cơn đau dạ dày mãn tính như viêm dạ dày mãn hoặc loét dạ dày.
3. Trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP: khi nào nên điều trị?
Nhiều bậc phụ huynh lo sợ vi khuẩn HP sẽ gây viêm loét, ung thư dạ dày nên khi xét nghiệm thấy trẻ có nhiễm HP thì lập tức yêu cầu bác sĩ diệt tận gốc vi khuẩn này. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, ngay cả khi đã được điều trị tiêu diệt HP thì khả năng nhiễm lại vẫn rất cao do trẻ chưa tự ý thức được vấn đề giữ vệ sinh khi ăn uống, sinh hoạt. Hiện nay, nếu nhiễm HP chưa có triệu chứng thì trước mắt chưa cần phải điều trị. Khi nghiên cứu sâu về vi khuẩn HP, các nhà khoa học nhận thấy trong một số trường hợp nó không hẳn có hại hoàn toàn. Nếu không gây ra triệu chứng gì, sự có mặt của HP sẽ giống như một vi khuẩn cộng sinh, đôi khi đem lại một số tác dụng đối với cơ thể con người.Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì một số trường hợp sau cần diệt vi khuẩn HP để tránh gây hại đến sức khỏe và tính mạng của mỗi người:
- Loét dạ dày tá tràng: Loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP (vì không diệt HP thì ổ loét dạ dày, hành tá tràng có thể tái phát).
- Chứng khó tiêu chức năng
- Xuất huyết giảm tiểu cầu nhưng không rõ nguyên căn
- Ung thư dạ dày đã phẫu thuật
- Thiếu máu, thiếu sắt
- Những trường hợp trong gia đình có người bị ung thư dạ dày: bố, mẹ, anh, chị em ruột.
- Viêm teo niêm mạc dạ dày.
Việc xét nghiệm và điều trị HP nên để bác sĩ chuyên ngành tiêu hóa khám, tư vấn và quyết định để tránh những tốn kém không đáng có.