Trong thời gian vừa qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước tiến triển đáng kể và gặt hái được nhiều thành tựu đáng mừng. Tốc độ tăng trưởng lượng khách quốc tế đạt mức 15% mỗi năm, khách nội địa tăng trung bình hơn 10% mỗi năm. Cơ sở hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành cũng không ngừng được nâng cấp. Các loại hình sản phẩm và dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng phong phú. Chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp dần được cải thiện. Các doanh nghiệp du lịch phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, xây dựng được một số thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế. Một số khu và điểm du lịch trọng điểm đã dần hình thành.
Các nguyên tắc phát triển du lịch tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 4 Luật Du lịch năm 2017, việc phát triển du lịch Việt Nam cần tuân thủ các nguyên tắc:
Thứ nhất, phát triển du lịch bền vững, có chiến lược, quy hoạch và kế hoạch rõ ràng, xác định trọng tâm và trọng điểm.
Thứ hai, phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, tài nguyên thiên nhiên; khai thác thế mạnh từng địa phương và liên kết vùng.
Thứ ba, bảo đảm chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội; mở rộng quan hệ quốc tế, quảng bá đất nước và con người Việt Nam.
Thứ tư, bảo đảm lợi ích quốc gia, cộng đồng, quyền lợi của khách du lịch, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh du lịch.
Thứ năm, phát triển đồng thời du lịch nội địa và quốc tế; đối xử bình đẳng với khách du lịch.
Các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam
Thứ nhất, nhà nước có chính sách huy động mọi nguồn lực phát triển du lịch để bảo đảm du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.
Thứ ba, nhà nước ưu tiên bố trí kinh phí cho các hoạt động sau đây:
- Lập quy hoạch về du lịch;
- Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch;
- Xúc tiến du lịch, xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, địa phương;
- Điều tra, đánh giá, bảo vệ, tôn tạo, phát triển giá trị tài nguyên du lịch.
Thứ tư, nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sau:
- Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch;
- Nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch;
- Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ du lịch chất lượng cao;
- Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại phục vụ quản lý và phát triển du lịch;
- Phát triển du lịch tại nơi có tiềm năng du lịch; sử dụng nhân lực du lịch tại địa phương;
- Đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch;
- Đầu tư phát triển sản phẩm du lịch mới có tác động tích cực tới môi trường, thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư; đầu tư phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa và sản phẩm du lịch đặc thù khác.
Thứ năm, nhà nước có chính sách tạo điều kiện thuận lợi về đi lại, cư trú, thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, hoàn thuế GTGT, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khác cho khách du lịch (Điều 5 Luật Du lịch năm 2017).
Áp dụng chính sách khuyến khích đầu tư vào du lịch tại Việt Nam
Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho ngành du lịch, bao gồm:
Thứ nhất, chính sách về thuế và phí.
Gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất; Giảm tiền thuê đất năm 2020 và năm 2021; Giảm 30% mức thuế suất thuế GTGT hoặc giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ: dịch vụ lưu trú; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch. Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp; Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất; Giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh lữ hành; Giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023; Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đến hết năm 2021.
Thứ hai, chính sách về tín dụng.
Miễn và giảm lãi vay đến hết tháng 6 năm 2022 (cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí và giữ nguyên nhóm nợ để tiếp tục hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19).
Thứ ba, chính sách an sinh xã hội.
Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn. Doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch được hỗ trợ như sau: Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch. Mức hỗ trợ: 3.710.000 VNĐ/người. Hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất. Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/09/2021 của Chính phủ.
Xem thêm: Dịch vụ Giấy phép lao động của công ty luật siglaw.